UBND tỉnh vừa có Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 được ban hành theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ.
Ảnh minh họa
Theo báo cáo, qua hơn 10 năm triển khai, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành 594 chương trình, kế hoạch, văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, Chương trình hành động của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng và Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; tổ chức 1.034 hội nghị để phổ biến quán triệt, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho 147.395 lượt cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân; biên soạn, phát hành 11.500 bản tài liệu phục vụ nghiên cứu quán triệt, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, qua đó đã góp phần nâng cao một bước nhận thức, trách nhiệm, sự quan tâm ủng hộ và tham gia của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Các cấp, các ngành đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện cơ bản đồng bộ, có hiệu quả các nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 như: tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật; hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch; xây dựng và thực hiện công khai minh bạch các chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong sử dụng tài sản công của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện phân công, phân cấp quản lý, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống quản lý; hoàn thiện và thực hiện các quy định nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện cơ chế về trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; cơ chế miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho từ chức, tạm đình chỉ chức vụ của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý; ban hành, thực hiện chính sách tiền lương hợp lý trong một số lĩnh vực đặc thù, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; việc thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, định kỳ chuyển đổi vị trí của cán bộ, công chức, viên chức...

Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng trong chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng được quan tâm triển khai. Trong kỳ, các cấp ủy, tổ chức đảng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã chú trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện thường xuyên công tác giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Các cấp, các ngành đã chỉ đạo tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại 282 cơ quan, tổ chức, đơn vị; qua đó đã kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót, góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, thúc đẩy thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiểm tra, thanh tra.

Việc phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, được dư luận đồng tình, hoan nghênh. Trong kỳ, qua công tác tự kiểm tra, giám sát nội bộ, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã phát hiện, kiến nghị xử lý và xử lý theo thẩm quyền 03 vụ/03 người có liên quan đến hành vi tham nhũng với giá trị trên 116 triệu đồng. Trong công tác thanh tra, qua thực hiện 826 cuộc thanh tra hành chính, tại 1.777 đơn vị và 36.570 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 75.180 lượt tổ chức, cá nhân; phát hiện 30.337 lượt đơn vị, tổ chức, cá nhân có sai phạm, vi phạm, trong đó sai phạm về kinh tế 259.265 triệu đồng và 78.044.985 m2 đất các loại; kiến nghị xử lý thu hồi về cho Nhà nước 124.709 triệu đồng và 1.846.998 m2 đất các loại; kiến nghị xử lý bằng các hình thức khác 134.556 triệu đồng và 76.187.987 m2 đất các loại; kiến nghị xử lý hành chính 156 tập thể và 550 cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính 26.980 lượt tổ chức, cá nhân với số tiền 64.292 triệu đồng; chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ để xử lý theo pháp luật 20 vụ có dấu hiệu tội phạm. Trong công tác giải quyết tố cáo, các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận, thụ lý giải quyết theo thẩm quyền 771 vụ; qua giải quyết tố cáo đã kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước 18.547 triệu đồng và 632 m2 đất các loại, trả lại cho công dân 336 triệu đồng và 80 m2 đất ở; kiến nghị xử lý hành chính 23 cá nhân có liên quan; chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ để xử lý theo pháp luật 04 vụ có dấu hiệu tội phạm. Trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, Cơ quan điều tra Công an các cấp đã khởi tố, điều tra 23 vụ, 46 đối tượng có dấu hiệu phạm tội liên quan đến hành vi tham nhũng; Viện KSND cấp tỉnh và cấp huyện đã thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kết quả đã đề nghị truy tố 23 vụ, 36 bị can; TAND hai cấp thụ lý, xét xử 15 vụ, 22 bị cáo phạm tội tham nhũng./.

Tác giả bài viết: Đào Văn Thi (Thanh tra tỉnh)