Sáng 15/9, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai nghị quyết Đại hội XIII.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Noichinh.vn
Đây là lần đầu tiên các cơ quan Nội chính phối hợp tổ chức hội nghị toàn quốc với hình thức trực tuyến, từ điểm cầu Trung ương đến 138 điểm cầu tại các tỉnh, thành với hơn 4.600 đại biểu.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định các cơ quan Nội chính là "lực lượng nòng cốt, trung kiên, thanh bảo kiếm sắc bén và lá chắn vững chắc". Với vai trò và lĩnh vực hoạt động trọng yếu, liên quan hầu hết, trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, Tổng bí thư yêu cầu các cơ quan Nội chính phải "đúng vai thuộc bài"; chủ động dự báo sớm, đánh giá đúng tình hình; đề cao tinh thần phục vụ nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất để giải quyết yêu cầu, công việc của dân. Các cơ quan Nội chính tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Đồng thời, "phải có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với nhân dân".

Theo Tổng bí thư, công tác nội chính thường xuyên đối mặt với những thách thức, tiêu cực trong xã hội, những môi trường nhạy cảm, khiến con người rất dễ bị mua chuộc, sa ngã, "nhúng chàm". Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ, công chức các cơ quan Nội chính phải cảnh giác, tỉnh táo; có bản lĩnh, dũng khí bảo vệ cái đúng, đấu tranh chính trực; đặc biệt, bản thân phải trọng liêm sỉ, không chịu bất kỳ sức ép không trong sáng hay bất kỳ sự cám dỗ, mua chuộc nào...Người đứng đầu Đảng yêu cầu các cơ quan Nội chính "hiệp đồng tác chiến", vì công việc nặng nề, lại thường xuyên đụng chạm đến lợi ích, đụng chạm đến con người... Tuy nhiên, "phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng không có nghĩa là dĩ hoà vi quý, nhân nhượng vô nguyên tắc, cùng bỏ qua sai phạm của nhau, mà phải gắn liền với thực hiện kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, nhằm bảo đảm tuân thủ pháp luật trong thực thi công vụ".

Ông cũng nhấn mạnh, phải tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", "quyền anh, quyền tôi", "cua cậy càng, cá cậy vây"; mọi vấn đề vướng mắc phải được bàn bạc, giải quyết triệt để, thấu đáo. Nếu qua trao đổi, họp bàn các cơ quan vẫn chưa thống nhất được, thì vận dụng cơ chế phối hợp, xin ý kiến trong xử lý các vụ án, vụ việc như cách làm có hiệu quả của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. "Hết sức lưu ý không để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng, kích động, chia rẽ, đưa lên thành vấn đề phức tạp, rêu rao là chúng ta đấu đá, mâu thuẫn nội bộ", Tổng bí thư nói. 

Ông cũng nêu rõ gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...Tổng bí thư nhấn mạnh quan điểm, phải kiên quyết chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, làm việc "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn" trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan Nội chính các cấp. "Những ai có tư tưởng này thì hãy dẹp sang một bên cho người khác làm...", ông nói.

Báo cáo tại hội nghị, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho hay trong nhiệm kỳ Đại hội XII (2016 - 2020), các cơ quan nội chính đã nghiên cứu, tham mưu Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ ban hành gần 200 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"... Cũng trong giai đoạn này, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã xử lý kỷ luật hơn 3.200 cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng, trong đó hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý.

Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nghị quyết Đại hội XIII, ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh việc các cơ quan Nội chính phát huy hơn nữa vai trò chủ công, nòng cốt, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng... "Xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân", ông nói./.

Tác giả bài viết: BBT (Nguồn: vnexpress.net)