Theo đó, Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đó là: Tổ chức nghiên cứu, quán triệt, chỉ đạo thực hiện Kết luận số 21-KL/TW và Kế hoạch số 03-KH/TW của Bộ Chính trị; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đúng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, thực sự dựa vào Nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đối với nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, Chương trình hành động của Chính phủ xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau đây:
Thứ nhất, tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát cơ quan, tổ chức, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực và có nhiều khiếu nại, khiếu kiện kéo dài; quan tâm giải quyết dứt điểm những vụ việc gây bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ hai, thực hiện thường xuyên, nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những lĩnh vực liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra sai phạm để chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Thứ ba, tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nghiêm quy định về chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.
Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có bản lĩnh vững vàng, liêm chính, trung thực, có kiến thức, kỹ năng chuyên môn sâu, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ năm, triển khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án để bảo đảm phối hợp chặt chẽ, đồng bộ cùng với hoạt động truy tố, xét xử của cơ quan có thẩm quyền. Chủ động phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra các vụ án, xử lý các vụ việc liên quan đến tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là những vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Thứ sáu, xử lý kiên quyết, kịp thời, đúng pháp luật những hành vi tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí, nhất là trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, tài nguyên quốc gia và những người bao che hành vi tham nhũng, ngăn cản việc chống tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định bảo vệ người tố cáo về tham nhũng, tiêu cực. Khen thưởng, biểu dương, động viên kịp thời những mô hình hay, các điển hình tiên tiến, tấm gương tiêu biểu, có sức lan tỏa lớn trong xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực./.