Phạm vi đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) cấp tỉnh năm 2019 bao gồm hoạt động quản lý nhà nước về PCTN của UBND cấp tỉnh, cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh về PCTN; kết quả thực hiện các quy định về PCTN của các cơ quan trực thuộc UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Thời kỳ đánh giá từ ngày 16/12/2018 đến 15/12/2019. Nội dung đánh giá bao gồm 04 nội dung chính, với tổng thang điểm là 100, cụ thể: công tác quản lý nhà nước về PCTN (20 điểm); thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng (30 điểm); phát hiện các hành vi tham nhũng (25 điểm) và xử lý các hành vi tham nhũng (25 điểm). So với Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh các năm 2016, 2017, 2018 thì trong từng nội dung cụ thể của Bộ chỉ số năm 2019 đã được sửa đổi, bổ sung một số chỉ tiêu thành phần để phù hợp với Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Kết quả báo cáo đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2019 của tỉnh Bình Định đạt tổng số điểm 66,85/100 điểm. Cũng theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, địa phương có số điểm bình quân cao nhất đạt 77,40/100 điểm; địa phương có số điểm bình quân thấp nhất đạt 41,81/100 điểm; điểm bình quân chung cả nước là 61,78/100 điểm.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, công tác PCTN của các địa phương trong năm 2019 đã có những kết quả tích cực hơn so với những năm trước đây. Công tác PCTN được triển khai rộng khắp trên cả nước và tại tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc UBND cấp tỉnh và chính quyền địa phương trực thuộc UBND cấp tỉnh. Các biện pháp PCTN được triển khai toàn diện, quyết liệt, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước không chỉ trong công tác PCTN, mà còn trong các công tác quản lý kinh tế - xã hội nhằm phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, điểm trung bình của địa phương trên cả nước hiện nay vẫn ở mức trung bình thấp. Vẫn còn nhiều địa phương chậm hay không ban hành cấc văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện chỉ đạo công tác PCTN từ Trung ương. Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng ở một số địa phương hiệu quả chưa cao. Công tác phát hiện tham nhũng chủ yếu qua công tác điều tra, truy tố và xét xử; việc phát hiện tham nhũng qua hoạt động giám sát và tự kiểm tra hiệu quả chưa cao; trong khi đó phát hiện tham nhũng qua hoạt động thanh tra có phần giảm sút, tỷ lệ phát hiện chưa tương xứng với kết quả thực hiện quản lý nhà nước. Việc thu hồi tài sản tham nhũng là đất đai đạt tỷ lệ tương đối thấp.
Từ những kết quả đạt được và những hạn chế, tồn tại, Thanh tra Chính phủ kiến nghị các địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp PCTN theo tinh thần của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các Nghị định hướng dẫn thi hành, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác PCTN. Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Kiên quyết chuyển xử lý hình sự đối với cán bộ, công chức và người đứng đầu cơ quan đơn vị khi bị phát hiện hành vi tham nhũng.../.