Theo báo cáo, mục đích đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh nhằm đánh giá đúng và khuyến khích những nỗ lực của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác PCTN; tăng cường sự phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ và UBND cấp tỉnh về công tác PCTN trên cơ sở phối hợp đánh giá, chia sẻ và nhân rộng những thực tiễn tốt, hỗ trợ các hoạt động trong công tác PCTN; nâng cao hiệu quả, chất lượng thông tin, báo cáo về công tác PCTN; từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về PCTN và văn hóa không tham nhũng. Phạm vi đánh giá là công tác PCTN năm 2018 thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong thời kỳ từ 16/12/2017 đến 15/12/2018, bao gồm: hoạt động quản lý nhà nước về PCTN của UBND cấp tỉnh, cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh về PCTN; kết quả thực hiện các quy định về PCTN của các cơ quan trực thuộc UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện.
Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2018 được xây dựng với 4 phần chính, bao gồm: quản lý nhà nước về công tác PCTN (20 điểm), kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng (30 điểm), kết quả phát hiện các hành vi tham nhũng (25 điểm) và kết quả xử lý các hành vi tham nhũng (25 điểm). Bộ chỉ số đánh giá lượng hóa 4 nội dung là 4 nhóm chỉ số gồm 21 chỉ số với 52 chỉ số thành phần, thang điểm 100. Kết quả tỉnh Bình Định đạt số điểm 66,01, cao hơn điểm bình quân trong cả nước (59,57).
Theo Thanh tra Chính phủ, công tác PCTN trong năm 2018 tiếp tục được các địa phương tích cực triển khai, thực hiện; các hoạt động quản lý nhà nước về PCTN, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng được triển khai đồng bộ ở hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ. Tuy nhiên, kết quả thực hiện công tác PCTN giữa các địa phương chưa đồng đều, còn khoảng cách xa nhau; công tác quản lý nhà nước về PCTN cấp tỉnh mới triển khai thực hiện các chỉ đạo từ Trung ương, những chỉ đạo xuất phát từ thực tiễn của địa phương chưa rõ nét; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tuy đã được triển khai đầy đủ nhưng mức độ thực hiện ở các địa phương còn khác nhau, nhất là việc thực hiện công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong một số lĩnh vực vẫn chưa bảo đảm yêu cầu, vẫn còn nhiều nội dung định mức, tiêu chuẩn, chế độ chưa phù hợp với thực tế; việc phát hiện, xử lý tham nhũng chủ yếu thông qua công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử cũng như qua phát hiện của báo chí, qua dư luận xã hội, riêng việc phát hiện tham nhũng thông qua tự kiểm tra, qua công tác giải quyết tố cáo hiệu quả thấp.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp (2016, 2017, 2018) Thanh tra Chính phủ tổ chức đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh. Kết quả và kinh nghiệm trong 3 năm qua là tiền đề để công tác đánh giá PCTN sẽ được thực hiện một cách thường xuyên trong những năm tiếp theo./.