Thứ nhất, về đối tượng áp dụng
Thông tư 03 sửa đổi đối với một trong các đối tượng áp dụng thành “Những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập có thỏa thuận trong hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang”. Trước đây Thông tư 08/2013/TT-BNV quy định là “Những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định hiện hành của pháp luật”.
Thứ hai, thêm 01 trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên:
Thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia phục vụ tại ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự.
Thứ ba, thêm 04 trường hợp không được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên
- Thời gian tập sự (bao gồm cả trường hợp được hưởng 100% mức lương của ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tập sự).
- Thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đào ngũ trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.
- Thời gian thử thách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo; trường hợp thời gian thử thách ít hơn thời gian bị kéo dài nâng bậc lương thường xuyên tính theo thời gian bị kéo dài nâng bậc lương thường xuyên.
- Thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành của pháp luật.
Thứ tư, sửa đổi tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên với cán bộ, công chức
“Được cấp có thẩm quyền đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên”. Thông tư 08/2013/TT-BNV: được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực trở lên.
Thứ năm, sửa quy định thời gian bị kéo dài xét nâng bậc lương thường xuyên
- Cán bộ, công chức và người lao động bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo (trước đây Thông tư 08/2013/TT-BNV quy định “Cán bộ, công chức bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo”) thì bị kéo dài 06 tháng.
- Viên chức bị kỷ luật cảnh cáo (trước đây Thông tư 08/2013/TT-BNV quy định “Viên chức và người lao động bị kỷ luật cảnh cáo”) thì bị kéo dài 06 tháng.
- Viên chức bị kỷ luật khiển trách (trước đây Thông tư 08/2013/TT-BNV quy định “Viên chức và người lao động bị kỷ luật khiển trách”) thì bị kéo dài 03 tháng.
- Trường hợp bị đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ do bị kỷ luật (cùng một hành vi vi phạm) thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên tính theo hình thức kỷ luật tương ứng quy định tại điểm a, b, c khoản 5 Điều 1 Thông tư này.
- Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là đảng viên bị kỷ luật Đảng: nếu đã có quyết định kỷ luật về hành chính thì thực hiện kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên theo hình thức xử lý kỷ luật hành chính; nếu không có quyết định kỷ luật về hành chính thì thực hiện kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên theo hình thức xử lý kỷ luật Đảng tương ứng với các hình thức xử lý kỷ luật hành chính quy định tại khoản 5 Điều 1 Thông tư này.
Thứ sáu, sửa quy định số lần được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ
Không thực hiện hai lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Như vậy, theo quy định mới sẽ không thực hiện hai lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ mà không cần phân biệt nâng lương trong cùng ngạch hoặc cùng chức danh hay không.
Thông tư 03/2021/TT-BNV có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2021./.