Theo kế hoạch, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương do mình quản lý, phụ trách; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện xuyên suốt, có hiệu quả 05 nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
1. Người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm các nội dung của Chỉ thị số 04-CT/TW và các quy định của pháp luật có liên quan về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; đồng thời ngay trong Quý III năm 2021 phải hoàn thành việc xây dựng chương trình, kế hoạch của cơ quan, đơn vị, địa phương mình để triển khai thực hiện đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
2. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan nghiên cứu, rà soát, đề xuất cấp thẩm quyền ban hành, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách, cơ chế quản lý tài chính, ngân sách, tài sản, đất đai, đấu giá, đấu thầu... nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.
3. Các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế phải điều tra, xác minh làm rõ tài sản có nguồn gốc do phạm tội mà có; kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản theo đúng quy định của pháp luật. Tài sản tham nhũng đã thu hồi trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử phải được chuyển giao ngay cho cơ quan chức năng có thẩm quyền để bảo quản, quản lý, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý tài sản, đất đai và các cơ quan liên quan có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về tài khoản, tài sản, đất đai theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật. Tòa án nhân dân các cấp thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về chuyển giao bản án, tài liệu liên quan đến tài sản bị kê biên, phong tỏa; kịp thời đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền. Cơ quan thi hành án dân sự kịp thời xử lý theo đúng quy định pháp luật đôi với tài sản đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; đông thời tích cực xác minh, truy tìm và xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án.
4. Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể tỉnh tăng cường giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác tài sản bất minh và sai phạm trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng; phát hiện, kiến nghị xử lý các sai phạm, tiêu cực trong công tác thu hồi tài sản.
5. Người đứng đầu cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án dân sự các cấp thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo đủ số lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức trong sáng, thực sự liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng; xử lý nghiêm, kịp thời đối với các sai phạm, tiêu cực trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối họp với các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW và Kế hoạch này, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy./.