Đối tượng áp dụng của Nghị định bao gồm các cơ quan, tổ chức, công dân người Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam trong việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Nghị định quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Khiếu nại năm 2011 gồm: khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong đơn vị sự nghiệp công lập (Khoản 2 Điều 3); nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung (Khoản 4 Điều 8); công khai quyết định giải quyết khiếu nại (Khoản 3 Điều 41); thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật (Khoản 4 Điều 46); thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức có hiệu lực pháp luật (Khoản 2 Điều 58). Đồng thời, Nghị định quy định một số biện pháp thi hành Luật Khiếu nại gồm: hình thức khiếu nại; khiếu nại lần hai; đại diện thực hiện việc khiếu nại; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; xem xét việc giải quyết khiếu nại vi phạm pháp luật; xử lý hành vi vi phạm.
Cũng theo Nghị định, việc giải quyết khiếu nại trong doanh nghiệp nhà nước và khiếu nại của người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo quy định của Nghị định số 24/2018/NĐ-CP ngày 27/02/2018 của Chính phủ quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, vệ sinh lao động và pháp luật về khiếu nại có liên quan./.