Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh tại Hội nghị, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Thanh tra của tỉnh đã tập trung thực hiện kế hoạch thanh tra được duyệt và các nhiệm vụ đột xuất do cấp ủy đảng, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp giao, đạt được những kết quả tích cực, tạo tiền đề thuận lợi để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cả năm 2020.
Về công tác thanh tra, toàn ngành đã thực hiện 36 cuộc thanh tra hành chính; 679 lượt kiểm tra độc lập và 96 cuộc thanh tra chuyên ngành theo đoàn; 10 cuộc thanh tra trách nhiệm Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Kết quả thanh tra hành chính đã phát hiện sai phạm về kinh tế 7.688 triệu đồng và 368.905 m2 đất các loại; kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước 6.189 triệu đồng, xử lý hình thức khác 1.499 triệu đồng và 368.905 m2 đất các loại; kiến nghị xử lý hành chính 04 tập thể và 12 cá nhân. Thanh tra chuyên ngành đã xử phạt hành chính 3.802 triệu đồng dối với đối với 34 tổ chức và 929 cá nhân có vi phạm.
Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tiếp 1.472 lượt/2.005 người; tiếp nhận, xử lý 1.563 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tiến hành kiểm tra, xác minh, kết luận, đề xuất Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước các cấp xem xét, giải quyết 342/390 vụ khiếu nại (đạt tỷ lệ 87,69%) và 29/34 vụ tố cáo thuộc thẩm quyền (đạt tỷ lệ 85,29%). Qua giải quyết các khiếu nại, tố cáo đã khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân 2.170 triệu đồng và 889 m2 đất các loại.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, toàn ngành đã chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy đảng, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp chỉ đạo phổ biến quán triệt, ban hành chương trình, kế hoạch, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như: đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát xung đột lợi ích, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng, thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; chuyển đổi vị trí công tác; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tăng cường thanh tra trách nhiệm việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Công tác quản lý nhà nước, Thanh tra tỉnh và Thanh tra các ngành, địa phương tiếp tục chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, trình Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN. Thanh tra tỉnh tăng cường hướng dẫn, theo dõi, xử lý kịp thời các trường hợp chồng chéo, trùng lắp trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra trên địa bàn tỉnh. Thanh tra một số ngành, địa phương đã chủ động, kịp thời điều chỉnh nội dung, tiến độ, cách thức thực hiện các nhiệm vụ, nhất là việc triển khai các đoàn thanh tra để bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh về phòng, chống dịch Covid – 19.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng đã chỉ ra những tồn tại hạn chế trong hoạt động của ngành 6 tháng qua đó là: một số ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện một số cuộc thanh tra còn kéo dài; tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra, chậm chỉ đạo xử lý kết quả thanh tra còn xảy ra; việc xử lý sau thanh tra còn kéo dài, nhất là trong việc thu hồi về kinh tế. Công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư KNTC tại một số ngành, địa phương, nhất là các đơn vị cấp cơ sở còn có sai sót. Việc ứng dụng phần mêm Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ lúng túng. Việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng tại một số ngành, địa phương còn lúng túng, hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu. Một số ngành, địa phương thực hiện chế độ thông tin báo cáo về công tác thanh tra chưa kịp thời, đầy đủ.
Tham gia thảo luận tại Hội nghị, lãnh đạo Thanh tra các ngành, địa phương đều đồng tình với dự thảo báo cáo sơ kết. Bên cạnh đó, các đại biểu đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, nhất là nhiều cuộc thanh tra bị kéo dài, tạm hoãn do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid – 19, vấn đề khó khăn về biên chế cán bộ ít; tình hình khiếu nại, tố cáo một số nơi tiềm ẩn phức tạp.
Phát biểu kết luận và chỉ đạo hội nghị, Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Văn Thơm yêu cầu toàn ngành cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm 2020, như sau: Một là, Thanh tra các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện những nhiệm vụ còn lại trong kế hoạch thanh tra năm 2020 với tinh thần chủ động, tích cực, khẩn trương, chặt chẽ, hạn chế việc chuyển tiếp các cuộc thanh tra năm 2019 sang năm 2020. Việc triển khai các hoạt động thanh tra phải bảo đảm phù hợp với yêu cầu phục vụ nhiệm vụ khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, thiết lập tình trạng bình thường mới sau đại dịch Covid-19 theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra nhằm bảo đảm cho các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra được thực hiện kịp thời, nghiêm túc, dứt điểm, trong đó kết quả xử lý thu hồi về kinh tế đạt tỷ lệ trên 75% trở lên. Đồng thời chuẩn bị tiến hành khảo sát, xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2021 có trọng tâm, trọng điểm.
Hai là, tham mưu, đề xuất Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp duy trì thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân, nhất là trong thời gian diễn ra các kỳ họp của Trung ương Đảng, Quốc hội, Đại hội Đảng bộ các cấp và các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình KNTC của công dân để chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vụ việc bức xúc, đông người, không để bị động, lúng túng, diễn biến phức tạp. Tập trung tham mưu, đề xuất Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp xem xét, giải quyết kịp thời, bảo đảm dứt điểm những vụ việc thuộc thẩm quyền, nhất là những vụ việc bức xúc, tồn đọng kéo dài, vượt cấp.
Ba là, tham mưu, đề xuất Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp chỉ đạo thực hiện thường xuyên, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong kế hoạch công tác PCTN năm 2020; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện thường xuyên, kiên quyết, phù hợp, bảo đảm có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa tham nhũng; qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chú trọng phát hiện, kiến nghị xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến tham nhũng, kiên quyết thu hồi tài sản do hành vi tham nhũng gây ra. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo về công tác PCTN theo quy định.
Thứ tư là, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành. Tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua nhằm động viên đội ngũ công chức thanh tra phấn đấu hoàn thành toàn diện, bảo đảm chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ, kế hoạch thanh tra năm 2020, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Thanh tra Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2020), 45 năm xây dựng và phát triển của ngành Thanh tra tỉnh Bình Định (1975 - 2020)./.