Theo Nghị định số 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ, việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm có một số điểm mới đáng chú ý so với các quy định trước đây. cụ thể như sau:
Thứ nhất, về nguyên tắc, việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức phải bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác, không nể nang, trù dập, thiên vị, hình thức; bảo đảm đúng thẩm quyền quản lý, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể. Đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách. Cán bộ, công chức, viên chức có thời gian công tác trong năm chưa đủ sáu tháng thì không thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng nhưng vẫn phải kiểm điểm thời gian công tác trong năm, trừ trường hợp nghỉ chế độ thai sản; đối với cán bộ, công chức, viên chức nghỉ không tham gia công tác theo quy định của pháp luật trong năm từ ba tháng đến dưới sáu tháng thì vẫn thực hiện đánh giá nhưng không xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; cán bộ, công chức, viên chức nghỉ chế độ thai sản theo quy định của pháp luật thì kết quả xếp loại chất lượng trong năm là kết quả xếp loại chất lượng của thời gian làm việc thực tế của năm đó. Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Nghị định này được sử dụng làm cơ sở để liên thông trong đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên.
Thứ hai, về tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức sẽ được căn cứ vào các tiêu chí về: chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống; tác phong, lề lối làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, về thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức: Đối với cán bộ thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ theo phân cấp quản lý cán bộ. Đối với công chức thì việc đánh giá, xếp loại chất lượng người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị do người đứng đầu cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp thực hiện; việc đánh giá, xếp loại chất lượng cấp phó của người đứng đầu và công chức thuộc quyền quản lý sẽ do người đứng đầu cơ quan sử dụng
công chức thực hiện. Đối với viên chức thì thẩm quyền và trách nhiệm đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Viên chức năm 2020.
Thứ tư, việc xếp loại chất lượng đối với cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo bốn mức độ, gồm: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ.
Nghị định đã quy định chi tiết về các tiêu chí chất lượng ở từng mức độ cụ thể riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức để làm cơ sở đánh giá, xếp loại hàng năm; quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời điểm, sử dụng kết quả, lưu giữ tài liệu đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, theo Nghị định, căn cứ điều kiện cụ thể của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức ban hành hoặc giao người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức, viên chức ban hành Quy chế đánh giá phù hợp với đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Nội dung Quy chế phải xác định rõ sản phẩm cụ thể gắn với từng vị trí việc làm, tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả, thời điểm đánh giá theo quý, tháng hoặc tuần (nếu có); căn cứ để xác định tỉ lệ % mức độ hoàn thành công việc; các tiêu chí thành phần để đánh giá và xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có tính đến tỷ lệ khối lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện so với khối lượng công việc chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị; khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm phù hợp với các quy định tại Nghị định này. Sau khi nhận được thông báo kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức không nhất trí với kết luận đánh giá, xếp loại chất lượng thì có quyền kiến nghị. Việc giải quyết kiến nghị do người có thẩm quyền đánh giá, xếp loại giải quyết.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/8/2020; bãi bỏ các Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27/7/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đánh giá và phân loại đối với cán bộ, công chức, viên chức ./.