Thứ nhất, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP đã bao hàm các đối tượng áp dụng gồm có cán bộ, công chức và viên chức (sau đây viết tắt là CBCCVC), do đó 04 Nghị định trước đây có quy định các nội dung liên quan đến việc xử lý kỷ luật CBCCVC sẽ được bãi bỏ, cụ thể là Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức; nội dung liên quan đến xử lý kỷ luật viên chức (Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ), công chức xã, phường, thị trấn (Chương 6 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ), cán bộ (Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ).
Thứ hai, bên cạnh kế thừa các nguyên tắc xử lý kỷ luật CBCCVC đã quy định, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP bổ sung thêm một số nguyên tắc trong xử lý kỷ luật CBCCVC như: Nguyên tắc công khai, minh bạch; Không tách riêng từng nội dung vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức để xử lý kỷ luật nhiều lần với các hình thức kỷ luật khác nhau; Trường hợp CBCCVC đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức xử lý kỷ luật hành chính phải đảm bảo ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng; CBCCVC có hành vi vi phạm lần đầu đã bị xử lý kỷ luật mà trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày quyết định xử lý kỷ luật có hiệu lực có cùng hành vi vi phạm thì bị coi là tái phạm; ngoài thời hạn 24 tháng thì hành vi vi phạm đó được coi là vi phạm lần đầu nhưng được tính là tình tiết tăng nặng khi xem xét xử lý kỷ luật.
Thứ ba, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP có quy định 04 trường hợp CBCCVC vi phạm được miễn trách nhiệm kỷ luật. Ngoài 03 trường hợp đã được quy định tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP, Nghị định số 34/2011/NĐ-CP và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP thì Nghị định mới đã bổ sung thêm trường hợp “Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời” thì sẽ được miễn trách nhiệm kỷ luật.
Thứ tư, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định các hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gồm có 05 hình thức: Khiển trách, Cảnh cáo, Giáng chức, Cách chức, Buộc thôi việc”. Quy định mới theo Nghị định số 112/2020/NĐ-CP đã chính thức bỏ hình thức xử lý kỷ luật Hạ bậc lương áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được quy định tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP.
Thứ năm, một trong những đối tượng áp dụng được bổ sung thêm trong Nghị định số 112/2020/NĐ-CP là CBCCVC đã nghỉ việc, nghỉ hưu, đây là quy định hoàn toàn mới của Nghị định này. Theo đó, trường hợp CBCCVC bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ, chức danh thì người ra quyết định kỷ luật là cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê chuẩn kết quả bầu cử, bổ nhiệm chức vụ, chức danh cao nhất. Riêng đối với người giữ chức vụ, chức danh trong cơ quan hành chính Nhà nước do Quốc hội phê chuẩn thì Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý kỷ luật. Còn trong trường hợp người đã nghỉ hưu, nghỉ việc bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh ra quyết định kỷ luật.
Thứ sáu, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP đã tăng thời hạn xử lý kỷ luật công chức là không quá 90 ngày (quy định trước đây là không quá 02 tháng). Trường hợp vụ việc có liên quan đến nhiều người, có tang vật, phương tiện cần giám định hoặc có tình tiết phức tạp khác cần thời gian để làm rõ thêm có thể kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật, nhưng không quá 150 ngày (quy định trước đây là tối đa không quá 04 tháng).
Thứ bảy, các nghị định trước đây không quy định các hành vi bị xử lý kỷ luật mà đối với từng hình thức kỷ luật sẽ liệt kê các hành vi cụ thể. Nghị định số 112/2020/NĐ-CP đã bổ sung quy định các hành vi bị xử lý kỷ luật gồm:“Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức ; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật”. Đồng thời bổ sung thêm quy định về 04 mức độ của hành vi vi phạm kỷ luật của CBCCVC: Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng, vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, cấp có thẩm quyền sẽ dựa trên cơ sở mức độ của hành vi vi phạm kỷ luật của CBCCVC để đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp./.