Một số điểm mới của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý

Thứ sáu - 11/12/2020 13:53
Ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2020. Nghị định có một số điểm mới về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý, như sau:
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thứ nhất, về thời hạn giữ chức vụ

Theo Điều 41 Nghị định 138/2020/NĐ-CP, thời hạn giữ chức vụ của công chức được bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý đã được bổ sung thêm khoản 2 như sau: “Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được quá hai nhiệm kỳ liên tiếp được thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật chuyên ngành”. Theo quy định của Đảng, khoản 4 Điều 3 Quy định 98-QĐ/TW ngày 07/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về luân chuyển cán bộ quy định: “Cán bộ giữ chức vụ không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp được hiểu là không giữ một chức vụ cấp trưởng (đối với cả chức danh bầu cử và bổ nhiệm) liên tục từ 8 năm trở lên ở cùng một địa phương, cơ quan, đơn vị”. Như vậy, thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được quá hai nhiệm kỳ liên tiếp và chỉ áp dụng cho cấp trưởng, còn đối với cấp phó trở xuống thì không áp dụng.

Thứ hai, về độ tuổi bổ nhiệm

Điều 6 Quy chế 27 quy định: “Cán bộ, công chức bổ nhiệm lần đầu không quá 55 tuổi đối với nam và không quá 50 tuổi đối với nữ; các chức vụ trưởng phòng, phó trưởng phòng các quận, huyện và tương đương, tuổi bổ nhiệm lần đầu không quá 45 tuổi (đối với cả nam và nữ)”. Theo đó, Nghị định 138/2020/NĐ-CP đã bỏ quy định cụ thể về độ tuổi nêu trên, tại khoản 4 Điều 42 Nghị định quy định: a) Công chức được đề nghị bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc đề nghị bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn thì tuổi bổ nhiệm phải còn đủ 05 năm công tác tính từ khi thực hiện quy trình bổ nhiệm; trường hợp đặc biệt báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. b) Công chức được đề nghị bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, quản lý mà thời hạn mỗi lần bổ nhiệm dưới 05 năm theo quy định của pháp luật chuyên ngành và của cơ quan có thẩm quyền thì tuổi bổ nhiệm phải đủ một nhiệm kỳ. c) Công chức được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ đang giữ thì không tính tuổi bổ nhiệm theo quy định tại điểm a khoản này”. Như vậy, với quy định này thì độ tuổi bổ nhiệm lần đầu hoặc bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn thì tuổi phải còn đủ 05 năm công tác; trường hợp thời hạn mỗi lần bổ nhiệm dưới 05 năm thì tuổi phải đủ một nhiệm kỳ; trường hợp được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ đang giữ thì thì tuổi không cần đủ 05 năm công tác.

Thứ ba, về bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

Đây là quy định mới mà Nghị định 24/2010/NĐ-CP cũng như Quy chế 27 không quy định. Theo đó, các trường hợp chưa thực hiện quy trình bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm, gồm có: “a) Công chức lãnh đạo, quản lý đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử. b) Công chức lãnh đạo, quản lý đang trong thời gian được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cử đi học tập, công tác ở nước ngoài từ 03 tháng trở lên. c) Công chức lãnh đạo, quản lý đang trong thời gian điều trị nội trú từ 03 tháng trở lên tại các cơ sở y tế hoặc đang trong thời gian nghỉ chế độ thai sản”.

Thứ tư, về luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý

Về đối tượng luân chuyển, khoản 1 Điều 55 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định đối tượng luân chuyển ngoài kế thừa quy định tại điểm a: “Công chức lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch của cơ quan, tổ chức thì Nghị định bổ sung thêm 2 trường hợp thuộc đối tượng luân chuyển quy định tại điểm b và c là: “Công chức lãnh đạo, quản lý giữ các chức vụ cấp trưởng mà theo quy định không được giữ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan. Công chức lãnh đạo, quản lý mà theo quy định không được bố trí người địa phương”.

Về độ tuổi luân chuyển, khoản 4 Điều 56 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định: “a) Còn thời gian công tác ít nhất hai nhiệm kỳ (10 năm) tính từ thời điểm đi luân chuyển. b) Riêng công chức lãnh đạo, quản lý luân chuyển để thực hiện quy định không được bố trí người địa phương và để thực hiện quy định không được giữ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị thì phải còn đủ thời gian công tác ít nhất một nhiệm kỳ”. Đây cũng là một trong những quy định hoàn toàn mới so với Nghị định số 24/2010/NĐ-CP và Quy chế 27.

Về thời gian luân chuyển, Điều 61 Nghị định 138/2020/NĐ-CP bổ sung quy định: “Thời gian luân chuyển ít nhất 3 năm (36 tháng) đối với một lần luân chuyển. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”.
Đồng thời, Nghị định cũng bổ sung các quy định về nhận xét, đánh giá đối với công chức luân chuyển (Điều 62); bố trí công chức sau luân chuyển (Điều 63); Chế độ, chính sách đối với công chức luân chuyển (Điều 64).

Thứ năm, về từ chức, miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý

Về từ chức, khoản 2 Điều 65 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được từ chức nếu thuộc một trong các trường hợp sau: “a) Đang đảm nhận nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; đang đảm nhận nhiệm vụ trọng yếu, cơ mật; phòng chống thiên tai, dịch bệnh; nếu từ chức ngay sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích chung của Đảng và Nhà nước. b) Đang trong thời gian chịu sự thanh tra, kiểm tra, điều tra của cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của Đảng và pháp luật”. So với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 42 Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định việc từ chức đối với công chức được thực hiện trong trường hợp: “Công chức nhận thấy sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc của cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình”.

Về miễn nhiệm, khoản 1 Điều 66 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định việc xem xét miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện trong các trường hợp sau: “a) Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ. b) Bị xử lý kỷ luật chưa đến mức cách chức nhưng do yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế. c) Bị xử lý kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo hai lần trong cùng một thời hạn bổ nhiệm. d) Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định của Đảng về bảo vệ chính trị nội bộ. đ) Các lý do miễn nhiệm khác theo quy định của Đảng và pháp luật”. Đồng thời, khoản 3 Điều 66 Nghị định 138/2020/NĐ-CP cũng quy định: “Trường hợp công chức bị miễn nhiệm do xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong hai năm liên tiếp thì cơ quan có thẩm quyền cho thôi việc theo quy định của pháp luật./.

Tác giả bài viết: Mai Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 23 trong 8 đánh giá

Xếp hạng: 2.9 - 8 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

10/2023/TT-BNV

Thông tư HD thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức,đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, hội

Thời gian đăng: 29/08/2023

lượt xem: 321 | lượt tải:53

59/2022/NĐ-CP

Nghị định Quy định về xác thực định danh điện tử

Thời gian đăng: 15/09/2022

lượt xem: 573 | lượt tải:127

55/2022/NĐ-CP

Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

Thời gian đăng: 15/09/2022

lượt xem: 477 | lượt tải:124

53/2022/NĐ-CP

Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng

Thời gian đăng: 15/09/2022

lượt xem: 923 | lượt tải:139

979/QĐ-TTg

Quyết định phê duyệt Đề án "Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật"

Thời gian đăng: 15/09/2022

lượt xem: 369 | lượt tải:105
Học tập và làm theo Bác
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay2,651
  • Tháng hiện tại160,654
  • Tổng lượt truy cập20,080,955
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây