Quy định này được ban hành nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về quản lý cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh trên cơ sở cụ thể hóa và bảo đảm tính thống nhất với các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phân cấp quản lý cán bộ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng thời phát huy tính chủ động, đề cao trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, đi đôi với thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Nội dung phân cấp quản lý của Quy định này tập trung phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể gồm 07 nội dung: (1) quản lý tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức, công chức cấp xã; (2) quản lý ngạch, chức danh nghề nghiệp và chế độ tiền lương; (3) quản lý đào tạo bồi dưỡng; (4) quản lý bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, cho thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; (5) quản lý đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; (6) chế độ chính sách; hồ sơ cán bộ; báo cáo, thống kê; khen thưởng, kỷ luật; (7) thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Các nội dung quản lý cán bộ, công chức, viên chức không phân cấp tại Quy định này thì thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Quyết định số 10/2022/QĐ-UBND ngày 01/4/2022 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2022 và thay thế Quyết định số 06/2009/QĐ-UBND ngày 17/3/2009 của UBND tỉnh ban hành Quy định phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tỉnh Bình Định.
Xem Quyết định số 10/2022/QĐ-UBND tại file đính kèm dưới đây: